CafeLand – Lâu nay, Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến với vai trò là nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Thời gian gần đây, người ta thấy ông xuất hiện nhiều hơn trong lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Vũ đã chính thức giới thiệu các đối tác chiến lược cùng tham gia phát triển dự án Thành phố Cà phê.
Dự án này có quy mô khoảng 45,5 héc ta, tọa lạc ở trung tâm thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, được khởi công xây dựng từ tháng 1/2017.
Dự kiến trong giai đoạn một đang triển khai, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục như vườn thiền, khu tập golf, gym, bắn cung, hoàn thành 405 căn nhà liên kề phân khu Tesla và nhà phố thương mại phân khu Cantata.
Giai đoạn hai đến năm 2026, dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hai phân khu trên cùng 82 biệt thự, khu nhà ở tái định cư kết hợp làng văn hóa du lịch, khu trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, công viên sinh thái văn hóa cà phê…
Theo thông tin từ phiên tòa ly hôn giữa ông Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hai người có chung 26 bất động sản, trong đó 25 bất động sản trong nước và một căn nhà ở nước ngoài. Trong số đó có những căn nhà có giá trị lớn như căn nhà ở đường Tú Xương, quận 3, căn nhà rộng hơn 1.800 m2 nằm trên đường Bắc Sơn, TP.Nha Trang, Khánh Hòa,…
Theo phiên phán quyết, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên về việc chỉ tranh chấp 13/26 bất động sản đã có đủ điều kiện pháp lý để tòa xử. Ông Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỉ đồng còn bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỉ đồng.
Đó chỉ là các bất động sản cá nhân. Các hệ thống nhà máy, du lịch, nghỉ dưỡng của tập đoàn Trung Nguyên được phân chia thuộc sở hữu của ông Vũ ước tính lên đến nghìn tỉ đồng.
Có thể kể đến một số dự án bất động sản du lịch tiêu biểu và đã đưa vào hoạt động thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Nguyên như khu du lịch sinh thái M’Đrăk, Đắk Lắk.
Ngoài ra, ông Vũ còn sở hữu một dự án bất động sản khác nhưng ít được nhắc đến là khu nghỉ dưỡng 3 sao Legend Coffee Resort. Khác với M’Đrăk, khu nghỉ dưỡng này nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuật khoảng 1km, ngay cạnh Làng cà phê Trung Nguyên.
Ngoài những dự án kể trên, Trung Nguyên sở hữu một số dự án bất động sản du lịch vẫn đang tiến hành tại Đắk Lắk như dự án Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng (huyện Krông Na), dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm, hay dự án du lịch ở khu thác Draynur cách trung tâm Buôn Mê Thuột khoảng 30 km.
Chân Dung Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Nha Trang – Khánh Hòa. Ông là người sáng lập kiêm chủ tich Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Việt Nam.
Vào năm 1992, ông Vũ bắt đầu nhập học khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên. Do gia cảnh khó khăn, nên ông vừa đi học ông vừa đi làm kiếm sống
Năm 1996, ông hợp tác với ba người bạn lập nên “hàng cà phê Trung Nguyên”, bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay có diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê bằng tay cũ kỹ.
Hai năm sau, công ty Trung Nguyên mở quán cà phê đầu tiên ở TP.HCM. Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu. Sau đó, các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi.
Từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu được nhiều người biết đến. Giai đoạn năm 2005, hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, thậm chí còn vượt qua một số đối thủ nước ngoài.
Những phát ngôn của ông “vua cà phê Việt”:
“Tiền nhiều để làm gì”
“Những gì mà STARBUCKS đang làm dở tệ, họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”
“Không cần phi thường, chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng là người sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá”
“Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được. Ta nhất định làm được”
“Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông chỉ nên là đàn ông và phụ nữ chỉ nên là phụ nữ”
“Tôi và Trung Nguyên muốn góp phần tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt – có khát khao vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ”.