Doanh thu tăng gấp 2-3 lần nhờ xuất hoa quả sấy sang Nga, một doanh nghiệp Việt như “ngồi trên đống lửa” trước cuộc chiến Nga – Ukraine?

 11:09 AM | KINH DOANH

Có một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến trên sàn HOSE đã mất nhiều thời gian và công sức để đưa được sản phẩm vào thị trường Nga. Chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra cùng những hệ luỵ vế kinh tế như Nga bị loại khỏi Swift, đồng Rup mất giá… doanh nghiệp này có lẽ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

Mặc dù Nga không phải là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng một số doanh nghiệp nông sản Việt Nam khi tìm được cánh cửa thích hợp đã “tăng tốc” xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2019, trong khuôn khổ World Trade Moscow, công ty Nafoods – một đại diện nông sản tại Việt Nam đã giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng sở tại những sản phẩm đặc sản trái cây sấy khô của mình.

Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của doanh nghiệp này có mặt tại Nga. Mặt hàng xoài sấy khô của công ty đã đứng vững ở Nga 4 năm với thương hiệu ‘King’ nổi tiếng.

Hiện mỗi tháng, công ty này tiêu thụ tại thị trường Nga từ 10-15 container hàng hóa, tương đương khoảng 200-250 tấn.

Theo đại diện của Nafoods, sản phẩm của công ty đang phát triển ở tất cả các địa phương của Nga và Xô viết cũ, có nghĩa là những nước thuộc Liên Xô trước kia và châu Âu. Các sản phẩm có chất lượng tốt được người tiêu dùng đón nhận nên Nafoods đang nỗ lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Một khó khăn hiện tại của Nafoods bắt nguồn từ việc những sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường của tập đoàn này bị nhái nhãn mác. Để ngăn chặn tình trạng trên, tập đoàn này thường xuyên thay đổi bao bì.

Tình hình kinh doanh khởi sắc khi “mở được cánh cửa xuất khẩu” chế phẩm nông sản Việt

Nafoods được thành lập từ năm 1995, tiền thân là một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát với thương hiệu Festi khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Sau cuộc “xâm lăng” của những thương hiệu như Pepsi, Cocacola,…công ty chuyển hướng sang nghiên cứu và chế biến xuất khẩu nước ép trái cây.

Trong vòng 15 năm sau đó, công ty không ngừng cải tiến, đầu tư kỹ thuật và có được tên tuổi trong sản phẩm nước ép chanh leo.

Năm 2015, Nafoods niêm yết và giao dịch thành công cổ phiếu NAF trên HOSE.

Năm 2018, công ty khánh thành “Công ty CP Nafoods Miền Nam” với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại của châu Âu, bao gồm dây chuyền sản xuất tập trung với công suất 7.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất IQF với công suất 2 tấn/giờ tại tỉnh Long An. Nafoods đã trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững.

Năm 2019, Nafoods huy động thành công khoản đầu tư 8 triệu USD dưới dạng cổ phiếu ưu đãi từ IFC, một thành viên của Ngân hàng Thế giới và gần 500.000 USD từ cổ phiếu phổ thông của Endurance Capital Vietnam I Limited để nâng cao năng lực chế biến trái cây, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển hơn nữa các dòng sản phẩm trái cây mới.

Năm 2020, công ty tăng tốc kế hoạch sản xuất với khoản đầu tư 5 triệu USD từ Finnfund.

Kết quả kinh doanh của công ty có đột phá từ sau năm 2018, cùng với việc tìm được thị trường xuất khẩu sang Nga, các nước Liên Xô cũ và Châu Âu. Tuy nhiên nếu tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trong 3 năm gần nhất của công ty lên tới 41% thì tốc độ tăng trưởng trung bình của lợi nhuận chỉ là 27%.

Nafoods đã mất nhiều thời gian, công sức đưa mặt hàng hoa quả nhiệt đới sấy khô vào thị trường Nga và tạo dựng thương hiệu ở đây nhưng chiến tranh lại nổ ra ngoài dự kiến. Những biến động bất ngờ về chính trị khiến những doanh nghiệp như Nafoods ở vào thế như “ngồi trên đống lửa”.

Với tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine, cùng với nhiều hệ luỵ như Nga bị loại khỏi Swift, đồng Rúp mất gần 30% giá trị chỉ trong một buổi sáng ngày 28/02, dự báo kết quả kinh doanh của Nafoods sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2022.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *