Lỗ nghìn tỷ suốt cả chục năm, loạt công ty vận tải biển hồi sinh theo xu hướng thế giới, cổ phiếu tăng gấp 4-5 lần trong 1 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại

Nhờ sự khởi sắc của ngành vận tải biển toàn cầu, các doanh nghiệp vận tải biển trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – VIMC (MVN) đã có màn hồi sinh bất ngờ kể từ đầu năm 2021 cả về lợi nhuận lẫn giá cổ phiếu.

Dù một số công ty vẫn còn lỗ hoặc lãi khiêm tốn nhưng có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh chính của những công ty đã từng thua lỗ triền miên suốt cả chục năm qua – vốn từng bị ví von như những “con tàu ma” vì thua lỗ quá lớn. Khá nhiều công ty hiện vẫn lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng như Nosco, Vitranschart… một số cái tên khác thậm chí đã phá sản không kịp chờ đến ngày khởi sắc.

Công ty kinh doanh ấn tượng nhất trong năm là CTCP Vận tải biển Việt Nam – VOSCO (VOS). Trong quý 4/2021, VOS đạt doanh thu thuần 460 tỷ đồng, tăng 49%, lợi nhuận sau thuế là 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 47 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, VOS đạt doanh thu 1.424 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận ròng thu về 490 tỷ đồng so với khoản lỗ 186 tỷ đồng của năm ngoái. Lỗ lũy kế của VOS tính đến hết năm 2021 đã được cải thiện từ lỗ 911 tỷ đồng về lỗ 421 tỷ đồng.

Năm 2021, VOS đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng và lãi trước thuế 30 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt gấp 17 lần mục tiêu năm.

CTCP Vận tải Biển Vinaship (VNA) trong quý 4 doanh thu thuần đạt 226 tỷ đồng, tăng 57,2%; lãi sau thuế 40 tỷ đồng, tăng gấp gần 40 lần so với mức 1 tỷ đồng đạt được cùng kì năm ngoái. Luỹ kế cả năm 2021, VNA đạt 853 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66%; lãi sau thuế đạt 178 tỷ đồng tăng cao đột biến so với năm ngoái khi chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Năm 2021, VNA đặt mục tiêu doanh thu đạt 550,46 tỷ đồng và LNTT đạt 15 tỷ đồng, theo đó kết thúc năm 2021 VNA đã hoàn thành vượt 55% mục tiêu về doanh thu và mức lợi nhuận trước thuế cao gấp 12 lần chỉ tiêu được giao.

Lỗ liên tiếp 9 năm, CTCP Hàng Hải Đông Đô (DDM) cuối cùng đã có lãi. Doanh thu năm 2021 của công ty đã tăng 60% lên 328 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 28 tỷ đồng cải thiện đáng kể so với mức lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2020.

Bên cạnh những doanh nghiệp đã có màn hồi sinh thần kỳ trên, vẫn còn hai công ty vẫn chưa thể thoát khỏi thua lỗ. Đó là CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (tên cũ: NOSCO – mã NOS) vẫn tiếp tục lỗ 104 tỷ đồng và CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Vitranschart (VST) lỗ 2 tỷ đồng trong năm 2021. Những mức lỗ của hai công ty này đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Nguyên nhân chính khiến các công ty vận tải biển phục hồi lợi nhuận trong năm nay là do giá cước vận tải biển đã tăng phi mã kể từ đầu năm 2021. Chỉ số cước vận tải hàng khô, rời biển – Baltic Dry Index (BDI) đã leo dốc từ đầu năm 2021 và đạt đỉnh vào đầu tháng 10 vượt mốc 5600 USD. Đầu năm 2021, giá cước BDI chỉ khoảng 1400 USD. Như vậy là giá cước vận tải biển đã tăng khoảng 4 lần trong 9 tháng đầu năm. Tuy giá cước sau đó đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao so với năm 2020.

Theo Chỉ số giá cước vận tải container của 8 tuyến đường chính trên toàn cầu (Drewry World Container Index – WCI), chi phí vận chuyển hàng container bằng đường biển đã tăng liên tục, lần lượt xô đổ các kỷ lục về giá cước trước đó. Giá cước vận chuyển một container cỡ 40 feet khi đạt đỉnh khoảng cuối tháng 9 đã vượt mức 10.000 USD. Ở Việt Nam, giá cước trung bình cho 1 container 20 feet hoặc 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu hoặc Mỹ đều tăng 5 đến 7 lần từ năm ngoái đến năm nay.

Giá cổ phiếu các doanh nghiệp vận tải biển trên đã có mức tăng phải tính bằng lần trong năm 2021. Hầu hết các cổ phiếu đều tăng mạnh và đạt đỉnh vào cuối quý 3, đầu quý 4 sau đó giảm dần. Nhưng kể từ cuối tháng 1/2022 đến nay, giá cổ phiếu vận tải biển đang có xu hướng tăng trở lại.

Hơn nữa, do ảnh hưởng từ chiến sự căng thẳng giữa Nga – Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do 3 hãng tàu biển lớn nhất thế giới MSC, Maersk, CMA CGM thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga có thể đẩy giá cước vận tải biển lên cao hơn nên thời gian gần đây giá cổ phiếu vận tải biển tăng mạnh.

Trong phiên ngày 3/3, giá cổ phiếu VNA đã tăng 3.500 đồng/cp (+9,31%) lên 41.100 đồng/cp, cao gấp 10 lần so với giá đầu năm 2021 ở mức 4.000 đồng/cp. Còn cổ phiếu VOS hôm nay tăng trần (+7%) lên mức 20.750 đồng/cổ phiếu, cao gấp 9 lần mức 2.300 đồng/ cp của đầu năm 2021. 3 cổ phiếu còn lại bị hạn chế chỉ được giao dịch vào thứ 6 nhưng đều tăng ấn tượng trong năm qua, kể từ đầu năm 2021, giá DDM tăng 5 lần lên 5.000 đồng/cp, VST tăng 10 lần lên 5.000 đồng/cp và NOS tăng khoảng 9 lần lên 2.600 đồng/cp.

Theo Nhịp sống kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *