Tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch, huyện Nhà Bè đã đạt được 24/30 tiêu chí trong cuộc đua “từ huyện lên quận” ở TP.HCM.

Huyện Nhà Bè nằm ở phía Đông Nam TP. HCM, có diện tích 100,43 km2 và dân số 206.837 người. Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Nhà Bè tăng trưởng ổn định hàng năm từ 12% đến 12,2%. Đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng của huyện đã thuộc top đầu với hơn 12,14%, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch.

Theo Thành uỷ TP. HCM, vào năm 2021, nơi đây hiện chỉ còn 350 ha đất nông nghiệp (chiếm 3,5% tổng diện tích đất của huyện). Dự báo trong 5 năm tới, toàn huyện chỉ còn 109 hộ làm nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 0,1%) và đến năm 2030, nơi đây sẽ không còn hộ nào làm nông nghiệp.

Quyết tâm lên quận trước năm 2025, Nhà Bè đang đẩy nhanh việc khai thác tiềm năng từ vị trí địa lý, nâng cấp, triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm. Việc đầu tư phát triển đô thị hạ tầng kỹ thuật, tổ chức khu đô thị mới được quan tâm hàng đầu.

Về hạ tầng giao thông, công trình nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng đã và đang được thi công từ tháng 4/2020. Dự án xây dựng mới 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài mỗi nhánh hầm 456 m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe. Phần hầm kín của mỗi hầm dài 98 m; trong đó có hầm kín vượt tuyến metro số 4 dài 40 m.

Dự kiến sau khi hoàn thành, trục đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ sẽ được xóa tên khỏi danh sách “điểm đen” của nạn kẹt xe. Bên cạnh đó, tuyến đường này giúp khu Nam Sài Gòn kết nối nhiều khu vực quan trọng của thành phố, tạo đà cho huyện Nhà Bè đột phá trên đa phương diện.

Ngoài ra, công trình “khủng” 31.320 tỷ đồng giúp TP. HCM kết nối liên vùng (cao tốc Bến Lức – Long Thành) đang được gấp rút triển khai. Con đường dài 57,8 km, được thiết kế với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc xe chạy lên đến 100km/h. Đoạn từ Bến Lức (Long An) đến Hiệp Phước, Nhà Bè (TP.HCM) dài khoảng 20 km đã thành hình, một số đoạn đã được trải nhựa, nhiều cầu được bắc qua các sông rạch.

Cách cao tốc khoảng 6 km là cống Mương Chuối, đây là dự án có quy mô lớn nhất nằm trong đại công trình ngăn triều với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Cống dài hơn 200 m, gồm 4 cửa van ngăn triều đã được lắp, đến tháng 4/2021, công trình đã đạt khoảng 96% tiến độ.

Nhà Bè chuẩn bị lên quận, hạ tầng giao thông dần được đồng bộ nên hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn giới đầu tư, kinh doanh địa ốc đã tận dụng khai thác nguồn lợi này. Dọc con đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) quy tụ hơn 40 bất động sản “khủng” như Sunrise City View, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kenton Residences…

Giá đất nền trên “con đường tỷ đô” này cũng được dịp dậy sóng. Nếu năm 2019, giá đất của những dự án bất động sản chỉ giao động từ 5-7 tỷ đồng/ nền (90 m2), thì hiện tại, con số này đã “nhảy lên” trên dưới 10 tỷ đồng/nền. Bên cạnh đó, đất thổ cư được bán với giá khoảng 60 triệu đồng/m2, đất vườn khoảng 7–8 triệu đồng/m2.

Năm 2009, với chủ trương di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành, cảng biển Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đã được lựa chọn là nơi hội tụ 4 cảng lớn nằm dọc theo sông Soài Rạp: cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An. Đồng thời, Khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng đang được khẩn trương xây dựng nhằm mục tiêu vừa đưa TP. HCM “tiến ra Biển Ðông” tạo nên bước tiến lớn cho Nhà Bè.

Đến giữa năm 2016, Tân Cảng Hiệp Phước đã có bước đột phá với việc đón tàu Dignity có tải trọng container lớn nhất (54.255 tấn) sau khi hoàn thành khai thông luồng tàu biển Soài Rạp vào năm 2014.

Tạo bước tiến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà Bè cũng tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp Hiệp Phước. Với tổng diện tích quy hoạch dự kiến lên tới 2.000 ha, nơi đây hiện đang là một trong số những khu công nghiệp lớn hàng đầu thành phố.

Ngoài ra, huyện Nhà Bè cũng đang dự kiến phát triển khu dân cư làng đại học với chủ trương di dời trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm TP. HCM. Với quy mô gần 20 ha, làng đại học hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm đại học khép kín đạt chuẩn quốc tế.

Tuy tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện Nhà Bè vẫn giữ vững định hướng trở thành “đô thị xanh” giữa lòng thành phố. Theo đó, Nhà Bè sẽ đón nhận nhiều dự án chuẩn sống xanh với không gian tươi mát, cảnh quan sinh thái trong lành, gần gũi với thiên nhiên.

Doanh nghiệp và tiếp thị

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *