Phân tích mô hình SWOT của Ananas – Thương hiệu giày nội địa nổi tiếng tại Việt Nam

Phân tích mô hình SWOT của Ananas – Thương hiệu giày nội địa nổi tiếng tại Việt Nam
—-
Ananas là một trong những thương hiệu giày nội địa nổi tiếng tại Việt Nam. Để đạt được thành công này, Ananas đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích mô hình SWOT của Ananas trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu tổng quan về thương hiệu Ananas
Ananas là một thương hiệu giày bán lẻ 100% sản xuất tại Việt Nam, trực thuộc Công Ty Cổ Phần Hazza. Xuất hiện từ năm 2010, thương hiệu này đã nhanh chóng chinh phục được cộng đồng chơi giày tại Việt Nam.
Mặc dù ở thời điểm mới ra mắt, Ananas đã gặp vô số trở ngại bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, tuy nhiên vào năm 2017, hãng giày này đã tạo sự đột phá và quay trở lại đường đua sneaker Việt với màu sắc trẻ trung và thân thiện hơn.
Kế thừa 20 năm kinh nghiệm từ một nhà sản xuất giày từng hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Reebok, Puma, Keds và Burberry… Ananas thành công trong việc tái định vị thương hiệu, khẳng định vị thế trên bản đồ giày Việt Nam. Đồng thời, thương hiệu này cũng tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, với nhiều công đoạn thủ công được hoàn thành tỉ mỉ.
Không chỉ chăm chút từng mẫu thiết kế, mà quy trình chăm sóc khách hàng của Ananas cũng rất chuyên nghiệp. Từ những yếu tố đó, Ananas đang dần trở thành một trong những local brand hàng đầu tại Việt Nam, cũng như hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những đối thủ quốc tế.
Phân tích mô hình SWOT của thương hiệu Ananas
Strengths (Điểm mạnh)
Thương hiệu được kế thừa công nghệ sản xuất giày Vulcanized trong suốt 20 năm, đồng thời họ từng hợp tác với nhiều hãng giày nổi tiếng thế giới như Reebok, Puma, Keds và Burberry… Vì vậy, Ananas luôn đảm bảo về chất lượng của từng sản phẩm.
Ngoài ra, đội ngũ nhân sự cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, họ là những người trẻ với tinh thần nhiệt huyết, khai phá bản thân để tạo ra những giá trị cho sản phẩm. Điều này cho thấy đây là thương hiệu có sức sống và khả năng gắn bó lâu dài cùng khách hàng.
Weaknesses (Điểm yếu)
Do theo đuổi sự điềm tĩnh, với từng bước đi “chậm mà chắc”, cũng không quá rầm rộ vào khâu truyền thông thương hiệu. Vì vậy, độ bao phủ thị trường còn hạn chế, cũng như chưa phải là thương hiệu “top of mind” của khách hàng. So với đối thủ của mình, Ananas chưa thể cạnh tranh được thị phần (điển hình là Biti’s).
Không chỉ thua kém về mặt thị phần, hệ thống cửa hàng của Ananas chủ yếu tập trung tại thị trường Sài Gòn. Điều này sẽ gây khó khăn với những khách hàng ở xa mong muốn đến trực tiếp tham khảo sản phẩm.
Opportunities (Cơ hội)
Văn hóa hay các phong tục tập quán là những giá trị được ăn sâu vào tiềm thức của những người dân địa phương. Vì thế, đây cũng là yếu tố quyết định tới sự sống còn của doanh nghiệp. Hiểu rõ được văn hóa của địa phương sẽ giúp doanh nghiệp cân nhắc đưa ra chiến lược về sản phẩm hay truyền thông phù hợp với thị hiếu hay thuần phong mỹ tục nơi đây.
Là một thương hiệu nội địa, Ananas có lợi thế hiểu văn hóa địa phương hơn các thương hiệu nước ngoài. Nhờ đó, họ có thể đưa ra những mẫu thiết kế sản phẩm phù hợp với thị trường của mình.
Hiện nay, với xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu thời trang tăng theo. Thị trường giày tại Việt Nam từ đó cũng ngày càng rộng mở, nếu biết nắm bắt thì đây là cơ hội tốt giúp thương hiệu ngày càng phát triển.
Threats (Thách thức)
Chính vì thị trường giày tại Việt Nam ngày càng phát triển, Ananas từ đó cũng chịu sự cạnh tranh cao từ các đối thủ không chỉ trong nước mà còn có những thương hiệu đến từ nước ngoài.
Ngoài ra, thiết kế quá cơ bản nên rất khó để có thể tạo nên được sự khác biệt so với các tên tuổi đã tạo được ảnh hưởng. Trên thực tế, khi đưa sản phẩm ra thị trường, Ananas đã bị rất nhiều người cho rằng đạo nhái Vans hay Converse.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *