Sau 30 năm làm giảng viên tại trường Đại học Xây dựng, ông Đào Ngọc Thanh đã rời bục giảng, bước vào lĩnh vực bất động sản. Ông là một trong hai người đặt nền móng xây dựng khu đô thị nổi tiếng Ecopark tại Hà Nội.
Ông Thanh sinh ngày 30/12/1946 tại Ninh Giang, Hải Dương. Ông được thị trường địa ốc biết đến khi làm CEO tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark.
Hiện tại, ông Thanh giữ cương vị lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Chủ tịch Vinaconex, Chủ tịch Cotana, Phó chủ tịch Apec Group.
Ngã rẽ bất động sản
Từ năm 1971, ông Thanh bắt đầu giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng. Trong thời gian này, ông cũng làm cố vấn cho các công ty xây dựng, bất động sản.
Dưới sự thuyết phục từ doanh nhân Lương Xuân Hà, ông Thanh đã quyết định rời bục giảng để tập trung vào công việc kinh doanh. Năm 2003, ông Thanh về làm việc tại Vihajico, nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark. Ông Thanh và ông Hà được xem là ‘người khai móng’ cho siêu dự án Ecopark – Khu đô thị sinh thái lớn tại phía đông Hà Nội.
Dự án Ecopark tọa lạc tại Hưng Yên, có tổng diện tích 500 hécta, với tổng vốn đầu tư theo công bố là 800 triệu USD.
Ngoài dự án Ecopark, ông Thanh cũng đang là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana (Cotana Group, mã: CSC).
Theo thông tin từ trang Cotanagroup.vn, Cotana Group tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thành Nam, được thành lập từ năm 1993 với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2017, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana.
Cotana Group đã và đang thực hiện một số dự án như Ecogarden – Huế (tổng đầu tư 4.000 tỉ đồng, tổng diện tích 44,65 hécta), khu đô thị Ecopark tại tỉnh Hưng Yên (tổng vốn đầu tư là 8,2 tỉ USD, diện tích là 500 hécta). Trong đó, tỷ lệ vốn của Cotana Group là 20,04%. Ngoài ra còn có dự án khu đô thị mới Đông Sơn tại Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư là 170 tỉ đồng.
Ông Thanh hiện cũng đang giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API). Doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực phát triển bất động sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Trong số những dự án mà API thực hiện có Royal Park Bắc Ninh, Royal Park Huế (tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng), Royal Park Thái Nguyên (mức đầu tư gần 136 tỉ đồng).
Chủ tịch Vinaconex
Tháng 11/2018, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã thoái thành công lần lượt 57,71% và 21,28% vốn điều lệ. Theo đó, SCIC và Viettel không còn là cổ đông của Vinaconex. Đồng thời, VCG chuyển sang hoạt động theo mô hình không còn vốn nhà nước.
Kết thúc năm 2018, toàn bộ các cổ đông lớn của Vinaconex được thay thế bằng các cổ đông mới. Cụ thể, cổ đông lớn nhất An Quý Hưng sở hữu 57,71% vốn điều lệ, cổ đông bất động sản Cường Vũ sở hữu 21,3% và cổ đông đầu tư Star Invest nắm 7,57%.
Ông Thanh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex, với vai trò đại diện cổ đông An Quý Hưng.
Vinaconex tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988. Năm 2006, công ty đổi tên thành Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đồng thời nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỉ đồng. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, hiện nay vốn điều lệ của Vinaconex đạt hơn 4.417 tỉ đồng.
Năm 2008, Vinaconex niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX: VCG). Tuy nhiên, ngày 22/12/2020, VCG hủy niêm yết trên sàn HNX. Đến ngày 29/12/2020, VCG đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu.
Những dự án nghìn tỉ
Vừa qua, liên danh Vinaconex và công ty Trung Nam đã trúng gói thầu số 14 – XL, với giá trúng thầu 2.498 tỉ đồng. Dự án thuộc thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 24 tháng.
Vinaconex đã thực hiện các dự án xây dựng quy mô lớn tiêu biểu như gói thầu XL-03 (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) và gói thầu XL – 04 (cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) với tổng giá trị 5.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Vinaconex còn tham gia thực hiện gói thầu số 5 tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2, dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng.
Không chỉ liên tiếp trúng các gói thầu lớn tại các công trình giao thông trọng điểm, Vinaconex còn hướng đến việc đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
Trong số các dự án của Vinaconex có khu nhà ở số 93 Láng Hạ (Hà Nội), khu đô thị đại lộ Hòa Bình (Quảng Ninh), dự án nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina (Hải Phòng), dự án khu công nghiệp cụm công nghiệp Sơn Đông (Hà Nội).
Theo lộ trình 5 năm tới, Vinaconex sẽ cân nhắc thoái vốn tại các công ty con không cần thiết, tập trung phát triển mảng trọng yếu là bất động sản. Kế hoạch đến năm 2021, VCG sẽ đảm bảo lãi tối thiểu vào mức 1.000 tỉ đồng, tiến đến mức lãi 2.000 tỉ trong năm 2025.